Từ lâu lắm rồi tiếng chuông chùa là câu thơ tha thiết nhất của những khách lữ phương xa vắng nhà, là lời gọi nhớ những kỷ niệm vui buồn của của bao nhiêu tao nhân mặc khách, phong trần trong chốn nhân gian, rồi cũng là tiếng cảnh tỉnh ngộ thiền của các bậc Truy y Thiền lâm Đại đức. Tiếng chuông chùa là hồn của tự viện, là lời của Đức Đại Từ nhắn nhủ bao vong hồn lạnh lẽo mau quay trở về cõi Phật Tây phương. Trong bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của thi sĩ đời Đường - Trung Quốc có hai câu về tiếng chuông chùa rất nổi tiếng "Thuyền ai đậu bến Cô Tô, nữa đêm vẳng tiếng chuông chùa Hàn Sơn".
Chuông trong Thiền Lâm của Phật Giáo có rất nhiều thể loại, chuông lớn được treo trong gác chuông, hay để trong đại điện thì thường được gọi là Đại Hồng Chung, Đại Phạm Chung, người Việt Nam còn gọi là chuông U Minh với ý nghĩa khi thỉnh chuông, tiếng chuông sẽ vang đến tận cõi U Minh phổ độ các vong linh trong địa ngục.
Chuông còn được dùng làm hiệu lịnh, báo thời giờ sinh hoạt trong chùa thì được gọi là "Hoán chung", "Báo chúng chung". Chuông được dùng trong các thời hành lễ thì gọi là "Điện chung" hoặc là "Hành lễ chung". Chuông treo trong Thiền đường để hô thiền thì gọi là "Tiểu chung".
Chuông được dùng trong Phật Giáo có nguồn gốc từ pháp khí "Kiền Chùy", một vật minh khí làm bằng đồng hoặc gỗ được đánh lên làm hiệu lịnh tập chúng thời xưa của Phật Giáo Ấn Độ. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển thứ 24 có chép: "Ngày 15 tháng 7 là ngày chư Tăng kết hạ viên mãn, tăng trưởng thêm hạ lạp, gọi là ngày thọ tuế, Phật bảo ngài A Nan đánh kiền chùy vân tập Tăng chúng đến trước sân rộng...".
Phật Giáo truyền vào Đông Phương để thích ứng với văn hóa tập tục cũng như cuộc sống sinh hoạt của bản địa, cho nên từ cách ăn mặc cho đến lối sống, hành đạo và pháp khí, pháp vật được sử dùng trong Thiền gia đều có sự thay đổi cho thích hợp, vì vậy từ Kiền Chùy được đổi thành chuông và theo cách sinh hoạt của Phật Giáo Bắc Truyền mà chuông cũng có nhiều thể loại.
Đại Phạm Chung là chuông lớn nhất trong chùa, vì muốn tiếng chuông vang xa, thứ nữa Tòng lâm Phật Giáo Bắc Truyền khuôn viên rất rộng lớn, vì muốn cho mọi người gần xa đều nghe được tiếng chuông, cho nên cần phải có một không gian cao và thoáng để tiếng chuông dễ dàng vang xa cho nên kiến trúc gác chuông trong Tòng lâm cũng như tự viện Phật Giáo Bắc truyền ra đời.
Kiến Trúc Gác Chuông trong tự viện có nguồn gốc từ Chung Lâu, thuộc một trong những kiến trúc của cung đình, Chung Lâu thường làm trên các cổng thành hoặc là những lầu có đài thất cao, triều đình dùng tiếng chuông trong chung lâu để báo giờ sớm tối trong ngày, hoặc đánh lên báo hiệu khi hoàng đế băng hà, khi có binh biến hoặc chiến tranh. Thể thức Lầu chuông được Phật Giáo sử dụng đưa vào trong kiến trúc tự viện Phật Giáo Bắc Truyền theo các tài liệu ghi chép vào khoảng đời nhà Đường.
Trong sách Đọan Thành Thức... Tự Tháp Ký đời Đường có chép: "Theo chế độ trong chùa, quy định gác chuông được làm ở hường đông…". Trong sách Giang Châu Cảnh Đức Tự Tân Giới Đàn Ký đời Tống chép: "... 12 năm chăm coi, điện Phật, Sơn môn, hai dãy nhà trường lang, lầu chuông và Giới đàn…". Trong sách Tỉnh Thế Hằng Ngôn Cô Độc Sanh Quy Đồ Náo Mộng chép: "Chùa này gọi là Long Hoa Tự... trong chùa có một lầu chuông, khi gióng lên tiếng chuông vang xa đến mấy dặm…".
Đời nhà Đường các vị học Tăng người Nhật, khi qua Trung Quốc học rồi trở về đem kiến trúc tự viện của Phật Giáo Bắc Truyền về xây dựng trên đất nước Nhật Bản. Tất cả những ngôi chùa ở Nhật Bản hầu như chùa nào cũng có gác chuông, gác chuông trở thành kiến trúc không thể thiếu trong tổ hợp kiến trúc tự viện Phật Giáo Nhật Bản.
Gác chuông trong kiến trúc chùa Nhật, trãi qua bao nhiêu sự thăng trầm cũng như phát triển của Phật Giáo Nhật Bản, tùy theo tư tưởng văn hóa của từng tông phái Phật Giáo Nhật Bản, gác chuông cũng có sự thay đổi về hình dáng kiến trúc cũng như cách thức trang trí, tạo thành một phong cách đẹp nhiều hình thể kiến trúc rất riêng biệt đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật trong sự tôi luyện tư tưởng truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền.
KIẾN TRÚC THÁP CHUÔNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét